Phanh tay truyền thống, lốp dự phòng, lỗ khóa bên ngoài cửa xe hay bóng đèn dây tóc là những tính năng có thể bị loại bỏ trong ô tô thời gian tới.
Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghiệp ô tô. Những tính năng từng được coi là chuẩn mực nay đã trở nên lỗi thời và một số tính năng lâu đời đang dần “tuyệt chủng”. Sau đây, chúng ta hãy cùng khám phá xem danh sách 10 tính năng ô tô có thể biến mất trong vài năm tới.
Đầu đĩa CD
Đầu đĩa CD đã thay thế đầu cassette vào những năm 2000 nhưng bây giờ đang bị “đe dọa” bởi kết nối Bluetooth và điện thoại thông minh. Mặc dù vẫn còn một số nhà sản xuất ô tô trang bị đầu đĩa CD trên xe của mình (ví dụ như Lexus, Audi, BMW…) nhưng sự tiện lợi của việc liên kết thiết bị di động với hệ thống âm thanh đã khiến đầu CD trở nên lỗi thời.
Tính năng này thậm chí có thể còn biến mất nhanh hơn nữa do có sự ra đời của các dịch vụ phát trực tuyến nhạc như Spotify, YouTube Music và Apple Music.
Thực tế, sẽ không đáng để mang theo hàng tá CD nếu người dùng có quyền truy cập trực tuyến vào hàng nghìn bài hát và nghệ sĩ. Ngoài ra, hệ thống thông tin giải trí hiện đại với Apple CarPlay và Android Auto giúp cho việc giải trí trong xe trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Ăng ten bên ngoài dạng cổ điển
Trước đây, chúng ta từng quen thuộc với ăng-ten dạng dựng đứng và có thể kéo ra kéo vào. Ngày nay, loại ăng-ten này không còn phổ biến trên ô tô nữa vì hầu hết đã được thay thế bằng ăng-ten “vây cá mập”. Bất chấp như vậy, vẫn còn một số mẫu xe sử dụng ăng-ten cổ điển, trong đó đáng chú ý nhất là Ford F-150.
Ghế quay mặt vào nhau
Trước đây, xe van/MPV thường nhồi nhét 10 người (hoặc nhiều hơn) nên phải sử dụng ghế quay mặt vào nhau. Tuy nhiên, đây không phải là cách thoải mái nhất để vận chuyển hành khách.
Ngày nay, ghế quay mặt vào nhau vẫn xuất hiện trên Mitsubishi L300, Isuzu Traviz và Toyota Land Cruiser Troop Carrier. Tuy nhiên, hầu hết các xe van/MPV giờ đây đã trang bị ghế chỉ hướng về phía trước để tạo ra sự thoải mái và an toàn hơn.
Ghế giữa phía trước
Ngoài ghế quay mặt vào nhau, thiết kế ghế giữa phía trước cũng có nguy cơ “tuyệt chủng”. Loại ghế này thường dành cho một số xe bán tải single cab hoặc xe Van. Thực tế, một trong những lý do tính năng này trở nên lỗi thời là vì sự an toàn.
Thật khó để trang bị túi khí ở giữa bảng điều khiển vì ô tô ngày nay có nhiều màn hình hơn. Hiện tại, Toyota Hiace Commuter là mẫu xe hiếm hoi có túi khí giữa phía trước. Chính vì vậy, chúng ta khó có thể thấy thiết kế ghế giữa phía trước tồn tại lâu nữa.
Nâng hạ cửa kính bằng tay quay
Cửa sổ mở bằng tay quay thường được dành riêng cho các biến thể cấp thấp nhưng có thể sẽ không còn xuất hiện trên ô tô mới nữa. Đó là vì ô tô ngày càng có các tính năng tốt hơn và giá trị hơn.
Hiện tại, khách hàng thậm chí có thể mua được một mẫu xe mới trang bị màn hình cảm ứng trong tầm giá 300-400 triệu đồng. Chính vì vậy, đa số ô tô ngày nay đều có tính năng mở cửa sổ tự động.
Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như xe thương mại hạng nhẹ, cụ thể là sedan và hatchback cấp thấp. Ví dụ, Suzuki Dzire và S-Presso vẫn trang bị cửa sổ mở bằng cách thủ công trên các biến thể cấp thấp. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không còn thấy tính năng này trong thập kỷ tới.
Gạt tàn và tẩu châm thuốc lá 12V
Đã có thời hút thuốc lá rất thịnh hành. Gần như bất kỳ trung tâm mua sắm nào vào những năm 90 đều có cái gạt tàn/thùng rác bên cạnh thang cuốn. Hút thuốc trên máy bay vẫn còn được cho phép đối với nhiều hãng hàng không trong những năm 90.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi và ngành công nghiệp ô tô cũng vậy. Hầu hết mọi mẫu xe hơi đều có bật lửa và gạt tàn cho đến những năm 2010 nhưng bây giờ không còn nhiều nữa.
Khi thế giới có quan điểm chống hút thuốc lá nhiều hơn, có vẻ như các nhà sản xuất ô tô cũng không muốn khuyến khích thói quen này. Dù thế, một số nhà sản xuất ô tô hạng sang vẫn cung cấp gói trang bị dành cho người hút thuốc nhưng là tùy chọn khá đắt tiền.
Phanh tay truyền thống
Phanh tay truyền thống cũng có khả năng bị khai tử trên ô tô. Trong thời gian gần đây, các hãng xe đã cung cấp phanh đỗ xe điện tử như là tính năng tiêu chuẩn. Vốn là tính năng trong xe sang nhưng giờ phanh tay điện tử đã được áp dụng cho cả xe giá rẻ.
Mặc dù hiện tại vẫn còn một số lượng lớn xe ô tô có phanh tay nhưng việc sử dụng phanh điện tử đang trở nên phổ biến hơn. Xu hướng này cũng không chỉ giới hạn ở xe con mà còn đối với xe dựa trên bán tải như Mitsubishi Pajero Sport.
Lốp dự phòng đầy đủ
Nhằm tối đa hóa không gian khoang hành lý, một số nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm phụ tùng cỡ lớn. Ngoài ra, thay vì mua xe trang bị lốp dự phòng, khách hàng có thể mua bộ dụng cụ sửa chữa lốp xe. Do đó, một số nhà sản xuất ô tô hạng sang đã loại bỏ hoàn toàn lốp dự phòng và thay vào đó trang bị lốp chính có thể hoạt động được khi hết hơi (Lốp run-flat).
Hiện nay, hầu hết các xe bán tải và SUV vẫn mang lốp dự phòng cỡ lớn. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với các loại xe khác trong những năm tới.
Ổ khóa bên ngoài cửa xe
Một tính năng khác dự kiến sẽ biến mất trong vài năm tới là lỗ khóa trên cửa xe. Thực tế, một số xe đã loại bỏ tính năng này và lý do chính là sự phổ biến của chìa khóa thông minh. Theo đó, người dùng sẽ thuận tiện hơn khi đi đến xe và mở khóa bằng cách nhấn nút trên chìa khóa thông minh hoặc thậm chí chỉ cần nắm vào tay cầm.
Nhiều mẫu xe dường như đã loại bỏ lỗ khóa bên ngoài xe nhưng thực sự vẫn còn và chỉ là đang bị ẩn đi. Dù vậy, lỗ khóa dạng này thường dành cho các trường hợp khẩn cấp khi chìa khóa thông minh hết pin.
Bóng đèn sợi đốt
Những mẫu xe đời cũ thường phải thay bóng đèn sau một vài tháng hoặc vài năm. Đó là vì xe trang bị bóng đèn sợi đốt cho đèn pha, đèn hậu, đèn báo rẽ,… Trong khi đó, bóng xenon cường độ cao (HID) ước tính có độ sáng hơn 100 lần so với bóng halogen, tuổi thọ hơn gấp 10 lần và tỏa nhiệt ít hơn nhiều. Tuy nhiên, đèn HID thường chỉ dành để chiếu sáng phía trước.
Với sự xuất hiện của đèn đi-ốt phát quang (LED), công nghệ chiếu sáng ô tô đã thay đổi. Ưu điểm rõ ràng là đèn LED có thể hoạt động trong 15.000 giờ (hoặc hơn tùy thuộc vào nhà sản xuất) trong khi bóng đèn dây tóc thường chỉ hoạt động trong khoảng 1.000 giờ.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ô tô sử dụng công nghệ LED cho mọi mục đích chiếu sáng từ đèn hậu, đèn báo, đèn định vị, đèn sương mù, đèn cabin và cả đèn pha.
Xem các đơn hàng khác